Giải pháp truyền thông
Bên cạnh giải pháp sử dụng tem chống hàng giả thì Doanh nghiệp cần kết hợp với giải pháp truyền thông chống hàng giả nhằm tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm chính hiệu của mình.
Doanh nghiệp làm những sách hướng dẫn, đĩa CD, chương trình tập huấn cho người tiêu dùng nhằm tăng khả năng nhận biết sản phẩm thật.
Doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hội thảo hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả qua các mẫu bao bì, hiểu rõ về thành phần ghi trên bao bì.
Cải tiến mẫu mã bên ngoài và chất lượng liên tục.
Doanh nghiệp cử cán bộ thị trường theo sát địa bàn được phân công, kịp thời phát hiện hàng nhái, hàng giả để báo cho cơ quan chức năng xử lý. Mặt khác, Doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường… cung cấp những dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả cho họ giúp họ dễ dàng phát hiện hàng giả.
Với một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, việc triển khai các hoạt động chống hàng giả có thể rầm rộ. Tuy nhiên, một số công ty lại chọn hình thức tư vấn trên website hoặc qua tổng đài giúp người tiêu dùng nhận biết các đặc tính của sản phẩm. đăng tải trên website các sản phẩm làm giả và các cách để người tiêu dùng phân biệt hàng thật thông qua các đặc điểm nhận biết riêng biệt của sản phẩm.
Tập đoàn Hoa Sen thì dùng cách lập tổng đài tư vấn khách hàng 18001515 nhằm giải đáp các thắc mắc của khách hàng và giúp khách hàng phân biệt hàng thật hàng nhái. Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen cho biết, năm 2014, do nạn hàng giả, tập đoàn thiệt hại khoảng 118 tỷ đồng, tương ứng với 2,6% thị phần.
Đặc biệt, ngoài những cách làm trên, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp hợp lực với nhau để chống hàng giả. Một số doanh nghiệp có thị phần lớn trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật như Arysta LifeScience, BASF, Bayer, Dow AgroSciences, DuPont, Syngenta đã bắt tay cùng thực hiện dự án chống hàng giả. Đây là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc thành viên CropLife Việt Nam.
Doanh nghiệp không nên e dè chia sẻ thông tin về hàng thật – hàng giả với các cơ quan nhà nước và chỉ chờ “đối chứng” khi cơ quan chức năng bắt giữ được hàng hóa nghi bị làm giả. Điều này khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện, xử lý.
Nguyên nhân do một số Doanh nghiệp lo ngại khi công bố có hàng giả khiến người tiêu dùng e dè, cân nhắc khi dùng sản phẩm của Doanh nghiệp mình. Điều này vô tình tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Để chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình, trước hết Doanh nghiệp cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn cách nhận biết hàng thật – hàng giả cho người tiêu dùng. Từ đó người tiêu dùng mới nhận biết để “tẩy chay”. Đồng thời, qua nắm bắt thị trường, nhà sản xuất, phân phối có thể có thông tin về những đối tượng kinh doanh hàng giả cần cung cấp ngay cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.